“Những điều trông thấy” khiến du học sinh bớt sợ dịch tại Mỹ
Từng lo lắng đến mức không dám rời khẩu trang, nhất là khi tiếp xúc với bạn học nhiễm Covid-19, Dương dần yên tâm khi chứng kiến cách tổ chức trường học tại Mỹ.
Giữa tháng 8, Hà Hải Dương, 18 tuổi, cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), đến Mỹ theo học bổng 7 tỷ đồng của Đại học Georgetown. Thời điểm đó, em chưa tiêm vaccine và phải cách ly tại khách sạn 7 ngày, chi phí do trường hỗ trợ. Lúc đầu, Dương nghĩ quy trình cách ly sẽ tương tự Việt Nam nhưng hàng ngày, em vẫn được ra ngoài mua đồ ăn, chỉ bắt buộc đeo khẩu trang.
Hoàn tất cách ly, Dương được tiêm mũi một, khoảng một tháng sau tiêm mũi hai. Em kể, cuộc sống tại Mỹ đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Tại nơi công cộng hay trong những hội thảo tập trung đông người, ban tổ chức không kiểm tra giấy xác nhận tiêm vaccine của người tham dự. Tuy nhiên, mọi người bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, các hoạt động trong nhà; còn ngoài trời không yêu cầu.
Suốt một tháng đầu, Dương không rời chiếc khẩu trang vì “vẫn sợ”.
Giữa tháng 9, hai bạn học cùng lớp Dương nhiễm Covid-19 và em tiếp xúc trực tiếp với cả hai. Nam sinh lo lắng. Thuộc diện F1 nhưng thay vì cách ly tập trung như ở Việt Nam, Dương chỉ cần làm xét nghiệm, nếu âm tính thì có thể đi học bình thường.
Tại thủ đô Washington, nơi Dương theo học, người nhiễm Covid-19 phải cách ly hoặc chữa trị trong tối thiểu 10 ngày. Sau đó, dù âm tính hay không, người bệnh vẫn được đi lại bình thường. Dương được giải thích rằng, nhiều nghiên cứu ở Mỹ nhận định, virus lây lan mạnh hơn trong hai ngày trước khi xuất hiện triệu chứng và 10 ngày sau khi phát bệnh. Do đó, sau 10 ngày, dù còn mang virus, người bệnh được đánh giá ít khả năng lây nhiễm.
Tuần trước, Đại học Georgetown báo cáo tỷ lệ ca nhiễm trên tổng sinh viên trong trường là 0,25%, mức tương đối thấp. So với các khu vực khác ở Mỹ, Dương đánh giá tình hình tại thủ đô Washington khá an toàn. Dù đã yên tâm hơn, em vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. “Em học về khoa học, lên phòng thí nghiệm rất nhiều. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, em phải cách ly 10 ngày và các thí nghiệm sẽ bị lỡ dở”, Dương giải thích.
Ở tại ký túc xá, nam sinh cho rằng vòng tròn tiếp xúc của mình không quá nhiều. Xung quanh, bạn bè và giáo viên đều có ý thức phòng dịch, nghiêm túc thực hiện quy định đeo khẩu trang trong giờ học. Nhờ vậy, Dương không còn quá lo lắng như lúc trước khi sang Mỹ, cảm thấy mình đang hòa nhập tốt.
Cũng sang Mỹ vào tháng 8, Nguyễn Trần Đức Anh, 18 tuổi, không phải cách ly như Dương. Lúc đó, em đã tiêm một mũi vaccine nhưng vẫn khá lo lắng về hành trình sắp tới của mình. Điểm đến của em là Đại học Rice, bang Texas, theo học bổng 6 tỷ đồng. Dù không phải cách ly, Đức Anh vẫn duy trì các thói quen phòng dịch đã thành nếp từ khi còn ở Việt Nam như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữa khoảng cách khi giao tiếp.
Trước khi sang Mỹ, em từng đọc nhiều bài chia sẻ về việc người châu Á bị kỳ thị, bị phàn nàn về thói quen mang khẩu trang ngay cả khi đi ngoài trời. Tuy nhiên, tại Đại học Rice, nam sinh không gặp rắc rối trong chuyện này vì trường đa dạng về quốc tịch, sắc tộc của sinh viên. “Em cảm thấy rất may mắn, nhiều bạn của em bị kỳ thị nên khá hoang mang, rụt rè, gây ảnh hưởng đến tinh thần và kết quả học tập”, Đức Anh kể.
Tại thành phố Houston, bang Texas, nơi Đức Anh sống, người dân được xét nghiệm Covid-19 hai lần một tuần nếu đã tiêm một mũi vaccine, giảm còn một lần mỗi tuần khi đã tiêm đủ hai mũi. Ít tuần sau khi đến Mỹ, Đức Anh được tiêm mũi thứ hai.
Mỗi ngày, số ca mắc mới tại khu vực nam sinh sống vẫn khoảng 10-20. Nhưng khi tìm hiểu, em thấy hầu hết mọi người đã tiêm đủ vaccine, cũng không phải đến viện điều trị mà chỉ uống thuốc và nghỉ ngơi tại nhà. Đức Anh bắt đầu thấy yên tâm hơn. “Em nghĩ, so với năm ngoái, du học sinh đã có sự chuẩn bị về cả tinh thần và kỹ năng phòng dịch. Cùng với đó là sự phổ biến rộng rãi của vaccine nên bây giờ tinh thần của em đã tốt hơn trước”, Đức Anh kể.
Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 3/2020, Việt Nam có khoảng 200.000 du học sinh, trong đó tại Mỹ là 29.000, cao nhất trong các quốc gia châu Mỹ và châu Âu. Nhiều năm nay, đây vẫn là điểm đến yêu thích của du học sinh Việt Nam. Năm ngoái, hầu hết du học sinh Mỹ chọn cách học online từ Việt Nam hoặc “gap-year”, bảo lưu kết quả học tập. Nhưng đến năm nay, đa số lựa chọn sang Mỹ để trải nghiệm môi trường và đến lớp học trực tiếp.
Chiều bay từ Hà Nội, TP HCM sang Mỹ vẫn hoạt động. Tuy không nhiều hãng như trước, phần lớn sinh viên vẫn có thể tìm được đường bay và thời gian phù hợp, chưa kể số người có nhu cầu đi lại cũng ít hơn nên việc đặt vé không quá khó khăn.
Phần lớn đại học Mỹ đã mở cửa học trực tiếp 100%, chỉ số ít lớp giới hạn nếu có số lượng sinh viên quá lớn. Bên cạnh đó, các trường cũng yêu cầu toàn bộ giáo sư, người làm việc và sinh viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine để đủ điều kiện học trực tiếp, trừ một số ngoại lệ với những người có bệnh nền hoặc phản ứng nguy hiểm với vaccine.
Với những sinh viên sang Mỹ chưa kịp tiêm chủng, nhà trường sẽ hỗ trợ tiêm ngay khi các em đến nơi. Do nguồn cung vaccine dồi dào, sinh viên hầu như không phải đăng ký trước hay chờ đợi lâu. Chính sách này cũng không phân biệt với người bản xứ, du học sinh hay khách du lịch… Trong trường hợp chưa tiêm đủ hai mũi vaccine, sinh viên phải đeo khẩu trang trong lớp và xét nghiệm thường xuyên.
Để thích nghi tốt với cuộc sống “bình thường mới”, du học sinh nên tiêm đủ vaccine càng sớm càng tốt, mua bảo hiểm y tế đầy đủ. Ngoài ra, các em vẫn nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại những nơi đông người và khu vực có nguy cơ cao.
Theo VNExpress.