Kế hoạch du học Thụy Sĩ trường IBAS của học sinh Vương Minh Châu
Đi du lịch xa cũng cần một lộ trình cụ thể, thì không có lý do gì mà du học mấy năm ở nước ngoài lại không có kế hoạch. VinEdu đang khuyến khích các học sinh tự lên cho mình một kế hoạch du học. Điều này khiến các em tự giác tìm hiểu về đất nước mà các em sắp tới, ngôi trường mà các em sắp học. Các em còn phải tìm hiểu những điều nhỏ nhặt nhất mà mình có thể gặp phải trong suốt mấy năm tới. Vương Minh Châu – Học sinh của VinEdu chuẩn bị du học Thụy Sĩ trường IBAS rất chủ động trong việc này. Dưới đây là kế hoạch du học Thụy Sĩ của Minh Châu. Cùng đón đọc để thấy những gì mình cũng phải chuẩn bị về sau.
Nội dung chính
Chuẩn bị những gì trước khi du học Thụy Sĩ
Dưới đây là những gì em đã, đang và sẽ phải chuẩn bị để sang Thụy Sĩ. Đó cũng là những hành trang vững chắc và giá trị nhất cho tất cả lộ trình du học của em.
Kiến thức
- Từ thời điểm hiện tại cho đến khoảng tháng 7/2019, em sẽ đạt thấp nhất 6.5 IELTS (không kĩ năng nào dưới0)
- Đến tháng 6/2019 em sẽ tham gia kì thi tốt nghiệp THPT.
- Trong thời gian đầu năm 2019, em sẽ đăng kí học thêm một thứ tiếng (tiếng Trung) để đến khi du học, em có thể sử dụng thành thạo thứ tiếng này.
- Em có apply chuyên ngành Du lịch lữ hành trong ngành Quản trị Kinh doanh, vì vậy em có đăng kí học 1 khóa dẫn tour vào cuối năm 2018. Trong khoảng thời gian học và kết thúc khóa học, em sẽ có cơ hội được tự mình dẫn tour cho các khách nước ngoài. Nhờ đó, em sẽ bớt phần nào bỡ ngỡ khi tham gia chính thức vào chuyên ngành của mình cũng như cải thiện được kĩ năng năng mềm của bản thân.
- Tìm hiểu kĩ về văn hóa, con người, lối sống và thời tiết của đất nước Thụy Sĩ nói chung cũng như thành phố Zurich nói riêng.
Kĩ năng
- Tự chăm sóc bản thân, tự làm những công việc nhà cũng như tự nấu ăn.
- Cải thiện kĩ năng các kĩ năng mềm như kĩ năng xử lý tình huống, kĩ năng giao tiếp và kĩ năng đứng trước đám đông.
- Kiểm soát được chi tiêu của bản thân.
Sức khỏe, tinh thần
- Em có sức khỏe khá ổn định nhưng vào mỗi lúc thời tiết chuyển mùa, em sẽ gặp những vấn đề khác nhau về mũi và họng. Trong thời gian ở Việt Nam, em sẽ cố gắng đi khám sức khỏe định kì và chú trọng giữ gìn sức khỏe để phòng tránh việc mắc bệnh.
- Đi du học đồng nghĩa với việc gặp phải vô vàn khó khăn về tinh thần khi phải sống xa những người thân và gia đình. Em sẽ cố gắng chuẩn bị sẵn tinh thần một cách tốt nhất có thể để đối diện với những vấn đề khó khăn nhất mà mình sẽ phải đối mặt.
Visa
- Sau sinh nhật 18 tuổi (8/8/2019) em sẽ xin visa từ đại sứ quán Thụy Sĩ, nếu đúng như dự kiến, em sẽ có visa vào khoảng cuối tháng 10 hoặc tháng 11. (kì nhập học của em là tháng 11)
Khó khăn gặp phải khi du học và giải pháp
Lên sẵn những trường hợp, hoàn cảnh sẽ gặp phải ở nơi mình sống và học tập là cách tốt nhất để đương đầu và giải quyết nó.
Thay đổi thời tiết
Zurich nói riêng và Thụy Sĩ nói chung có 4 mùa giống như Hà Nội, vậy nên em nghĩ sẽ không quá khó khăn để thích nghi với thời tiết ở đây. Tuy nhiên nhiệt độ vào mùa đông ở đây lạnh hơn nhiều so với Hà Nội và theo em, vấn đề thời tiết, khí hậu ở Thụy Sĩ không hẳn là một vấn đề quá lớn.
Rào cản ngôn ngữ, văn hóa
Với một đất nước sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Thụy Sĩ thì việc chỉ biết 2 ngôn ngữ chính là một bất lợi vô cùng lớn của em. Tuy nhiên, như em đã nói ở trên, em sẽ đăng kí học tiếng Trung vào khoảng đầu năm 2019 sau khi hoàn thành khóa học dẫn tour. Như vậy đến khi đi em có thể giao tiếp được bằng tiếng Trung. Bên cạnh đó, khi tham gia học khóa cử nhân tại IBAS, em sẽ được học riêng môn tiếng Đức và em nghĩ thời gian đó em sẽ đầu tư hơn vào tiếng Đức để có thể cạnh tranh với các bạn cùng trang lứa.
Về vấn đề văn hóa, mỗi quốc gia đều có một văn hóa riêng và việc thích nghi với nền văn hóa mới cần phụ thuộc vào thời gian và tùy thuộc vào bản thân mỗi người nên em không thể khẳng định rằng mình có thể hòa nhập một cách nhanh chóng hay sẽ tốn kha khá thời gian. Nhưng trong thời gian ở Việt Nam, em chắc chắn sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa Thụy Sĩ cũng như cả văn hóa Việt Nam để sang đó sẽ không gặp trở ngại lớn về vấn đề này và có thể giao tiếp với người dân bên đó về những hiểu biết về đặc điểm văn hóa của nước mình.
Tình trạng cô đơn, nhớ nhà
Đây là một vấn đề không thể tránh được đối với những người phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, và với một người sống trong vòng tay bố mẹ suốt 17 năm như em thì thật sự sẽ khá khó khăn để vượt qua nỗi gia đình. Thế nhưng theo em, một khi em đã liệt kê được vấn đề này ra có nghĩa em đã tự nhận thức được bản thân sẽ phải đối diện những gì. Mặc dù bản thân em chưa từng trải qua chuyện này nhưng em tin rằng chính những lần nhớ nhà lại chính là một động lực hối thúc em học tập và làm việc chăm chỉ hơn nữa. Bởi chỉ khi em hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân, trở nên thành công thì em mới có thể tự tin rằng bố mẹ đã không hoang phí tiền bạc cũng như công sức để giúp em đi du học.
Thời gian đầu sang học chắc chắn sẽ là khoảng thời gian khó khăn cho em bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, tính cách và văn hóa nơi đây. Việc này cũng đồng nghĩa rằng em sẽ gặp một rào cản lớn trong việc giao tiếp và kết bạn. Vì vậy em sẽ cố gắng tìm hiểu sở thích, văn hóa và cuộc sống người dân nơi đây một cách kĩ càng nhất có thể để có thể dễ dàng làm quen với họ cũng như tạo những mối quan hệ mới. Mặc dù bản thân em tự tin là một người hòa đồng, tuy nhiên em đã trải qua nhiều tình trạng cô đơn, bị bỏ rơi trong vấn đề bạn bè và tình cảm từ cấp 2 đến giờ, và em phải thừa nhận rằng vấn đề này đã từng ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến em. Vì thế em hiểu rằng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng để vượt qua thế nhưng, mỗi lần em trải qua những chuyện như vậy là một lần em trưởng thành hơn, và bản thân em cũng không còn quá nhạy cảm, mong manh dễ vỡ như trước nữa.
Cân bằng giữa việc học và đi làm thêm
Em biết rằng nhiều du học sinh sau khi sang nước ngoài đã ham kiếm tiền một cách quá mức để rồi xao lãng việc học. Về cơ bản, vấn đề tiền bạc luôn là một cám dỗ vô cùng lớn với mọi người thế nhưng em nghĩ, mục đích của em sang Thụy Sĩ học là để lấy tiếp thu những thứ tinh hoa nhất ở đất nước này. Bên cạnh đó, bản thân em hiện nay cũng có viết báo và làm một số công việc khác để kiếm thu nhập cho bản thân, và mỗi khi em tự cảm thấy bản thân mình có chút lơ đễnh việc học, em luôn tự tìm cách gác lại những công việc khác sang một bên, thậm chí em đã nghỉ viết báo hơn 2 tháng để tập trung vào việc học hiện tại. Theo em, việc cân bằng giữa 2 điều này chưa bao giờ là dễ, tuy nhiên, em tin rằng bản thân em tự nhận thức được rằng việc gì nên đặt lên hàng đầu.
Kiểm soát tài chính cá nhân
Việc chi tiêu ở nước ngoài thật sự vô cùng đắt đỏ, đặc biệt là ở Thụy Sĩ. Vốn là một người thích shopping và còn là con gái nữa thì đây quả là một vấn đề nan giải với em. Chính vì vậy, em sẽ lập một bản chi tiêu kĩ lưỡng (số tiền được tiêu hàng tháng, số tiền đã tiêu, tiền ăn, tiền sinh hoạt, làm thêm,…). Hơn nữa, em sẽ cố gắng để kiểm soát bản thân không được tiêu quá mức cho phép.
Dự định trong thời gian học
- 6 tháng đầu: Thời gian này em chưa được phép đi làm thêm. Vậy nên trong khoảng thời gian này, em sẽ cố gắng thích nghi với phương pháp học mới và tập trung vào việc học hết sức có thể. Đồng thời, em cũng sẽ củng cố kiến thức ngôn ngữ và tìm hiểu những công việc làm thêm phù hợp với bản thân.
- Sau 6 tháng đầu, em có thể làm các công việc part-time trong thời gian học. Vì chuyên ngành Quản trị Kinh doanh không có kì thực tập hưởng lương như Hospitality, vậy nên em sẽ vừa học vừa làm trong suốt quãng thời gian ở Thụy Sĩ.
- Như em đã nói ở trên, em sẽ cố gắng cân bằng việc học và làm hết sức có thể.
- Mỗi năm em sẽ có một kì nghỉ và trong thời gian này, em sẽ có cơ hội làm việc full-time để kiếm thêm thu nhập cho bản thân.
Kế hoạch sau tốt nghiệp
- Sau khi tốt nghiệp tại IBAS, em không hề có mong muốn ở lại Thụy Sĩ bởi bản thân em luôn muốn được đi nhiều nơi để trải nghiệm hơn là chỉ ở mãi một quốc gia. Hơn nữa, cũng rất khó để các du học sinh có thể được ở lại Thụy Sĩ.
- Em có dự định học chuyên ngành Du lịch lữ hành vậy nên sau khi tốt nghiệp, nếu có cơ hội, em sẽ tìm việc làm tại các nước châu Âu lân cận hoặc các nước châu Á để làm việc.
- Về vấn đề ngành nghề, em nghĩ không nhất thiết phải làm một ngành nghề cụ thể giống đúng những gì mình đã học, ví dụ như em học du lịch không có nghĩa em chắc chắn sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Vậy nên em nghĩ hiện tại vẫn còn khá sớm để em chắc chắn mình sẽ làm công việc cụ thể gì sau khi tốt nghiệp ở IBAS.
Các bạn đã tự lên được kế hoạch du học Thụy Sĩ hay nước mà bạn muốn cho mình chưa? Liên hệ ngay Tổ chức Giáo dục quốc tế VinEdu hotline 0972 131 212 để được trợ giúp ngay nhé! Chúc các bạn có một tương lai được thắp sáng!