Cộng đồng người Việt tại Hà Lan sinh sống và làm việc ra sao
Hà Lan là đất nước xinh đẹp, một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới theo chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2018 và thuộc top 10 những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Cùng với nền kinh tế lớn 18 thế giới, Hà Lan dần trở thành điểm đến lý tưởng cho học tập, du lịch, sinh sống và định cư bởi cộng đồng người Việt hiện nay.
Nội dung chính
Thống kê cộng đồng người Việt tại Hà Lan
Tính đến năm 2009 số liệu do Cục Thống kê Trung ương Hà Lan cung cấp cho thấy có:
- 11.960 người sinh ra ở Việt Nam trong đó 5.623 nam và 6.337 nữ
- 6.955 người sinh ở nước sở tại nhưng có gốc Việt Nam trong đó có 3.534 nam, 3.421 nữ, trong đó: 1.027 người có cha hoặc mẹ sinh tại địa phương với 524 nam, 503 nữ. Và 5.928 người có cả cha và mẹ sinh ở ngoài Hà Lan với 3.010 nam, 2.918 nữ
Thống kê tổng cộng có 18.915 người gồm 9.157 nam, 9.758 nữ. Số người Việt đã tăng 46% so với con số tổng cộng 12.937 người vào năm 1996. Phần lớn là số người Việt sinh tại địa phương đã tăng hơn gấp đôi, từ con số 3.366 năm 1996.
Theo số liệu thống kê vào thời điểm 01/01/2005 Cộng đồng người Việt tại Hà Lan có 18 ngàn người Việt định cư ở Hà Lan trên tổng số hơn 16 triệu dân Hà Lan.
Bên cạnh đó con số này chiếm tỷ lệ lớn bởi rất nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn Hà Lan là điểm đến du học, với số lượng sinh viên đến từ hơn 160 quốc gia đã giúp cộng đồng du học sinh tại Hà Lan trở nên đa dạng với nhiều nét văn hóa và được kết nối mạnh mẽ các nền văn hóa khác nhau
Vài nét về người Việt tại Hà Lan
Cộng đồng người Việt tại Hà Lan được đánh giá rất cao bởi đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó và ít đòi hỏi… Tuy người Việt ở Hà Lan ít người đạt đến tầng lớp thượng lưu giàu có nhưng người Việt dưới con mắt người bản xứ là luôn học hỏi, tìm tòi. Có khoảng 30 bác sĩ, gần 20 dược sĩ / 18 ngàn dân có thể được xem là tỉ lệ y dược sĩ cao nhất trong tất cả các sắc dân, kể cả người Hà Lan chính gốc. Việt kiều trẻ ở Hà Lan đang thích học các môn kinh tế, quản trị, du lịch, khách sạn nhà hàng…
Có một khu người Việt ở Hà Lan là Làng Hùng Vương do kiến trúc sư Phan Viết Nam làm cố vấn, bản vẽ của tổ hợp kiến trúc sư Boparai. Làng Hùng Vương ở thị xã Hoorn đón nhận Việt kiều cao tuổi khắp Hà Lan. Ngoài ra, một số tổ chức xã hội ở Hoorn cũng giúp đỡ những chủ nhà người Việt cao tuổi trong việc dọn nhà, sắp đặt tiện nghi trong nhà để phù hợp với thể trạng từng gia chủ
Cuộc sống của người Việt tại Hà Lan
Những người Việt đầu tiên tại Hà Lan trước đây thường mưu sinh bằng nghề buôn bán các loại thực phẩm lưu động. Người Việt sẽ lấy hàng tại nước Pháp để có những thực phẩm tốt với giá phải chăng nhất, chủ yếu là thực phẩm khô. Các loại thực phẩm này chủ yếu đem bán và phục vụ chủ yếu cho người Việt. Công việc này giúp họ trở nên khá giả hơn và bắt đầu bắt mối sang buôn bán thuốc tây lấy hàng từ Pháp và bán lại cho người Việt tại nước nhà
Những công việc chính người Việt thường làm tại Hà Lan thời đó đến bấy giờ:
Lượm và lặt củ bông Tulip
Hà Lan vẫn luôn nổi tiếng bởi cánh đồng hoa Tulips bát ngát tại vùng Bắc Hà Lan (North – Holland) nhiều màu sắc. Thường vào những tháng của mùa xuân, người chủ nông trại cần thu hoạch những củ bông tulips để kịp bán ra các siêu thị trên toàn quốc và đóng gói để xuất cảng.
Đây chính là công đoạn người Việt Nam nhận thấy có thể làm, kiếm thêm thu nhập lại không đòi hỏi chuyên môn. Công việc cũng không cần dùng đến sức lực nhiều nên người Việt chủ yếu đã rủ nhau tìm đến những nông trại trồng bông để xin việc.
Công việc lượm và lặt củ bông tulips khá dễ dàng và nhẹ nhàng đối với người Việt Nam nên tại một thị xã gần nơi có những cánh đồng trồng bông mà trước đó chỉ có khoảng ba mươi người Việt sinh sống. Đến nay, con số đã dần lên thành 700 người Việt.
Nghề làm cá
Ở vùng Friesland thuộc miền Bắc Hà Lan, nơi có những nhà máy chuyên thu mua cá biển và các loại hải sản để chế biến lại và xuất khẩu. Những nhà máy này có những công nhân người bản xứ và một vài dân tộc khác đã và đang làm trước khi có người Việt về sinh sống tại đó và những vùng lân cận.
Công việc làm là lóc những con cá để lấy thịt nạc còn gọi là filet. Công việc này đòi hỏi sức chịu đựng cái lạnh và nhanh nhẹn vì để bảo quản cho cá luôn tươi ngon nên người làm công việc này cần có sức khỏe và chịu đựng cái lạnh tốt.
Nghề may gia công
Nghề may là một nghề đòi hỏi khéo tay và có kỹ thuật. Qua báo chí đã đăng tải, những người chủ hãng may hễ nghe nói người Việt Nam muốn nhận đồ về nhà may thì họ đều sẵn sàng giao đồ ngay với những ưu đãi hơn những dân tộc khác vì những người chủ này biết người Việt thì không bao giờ lo việc giao hàng cho các công ty không đúng hẹn.
Công việc ngày nay của người Việt tại Hà Lan
Cho đến hôm nay, Đa phần trong số người Việt từng làm công, làm thuê nay đã chuyển qua nghề bán chả giò ngoài chợ kể từ khi món ăn nổi tiếng của nước Việt Nam được truyền bá đến người bản xứ. Những người làm trong những hãng cá, sau một thời gian tích góp được một số vốn cũng đổi qua làm nhàn hạ và tự chủ hơn như mở nhà hàng, snach bar, hoặc những gian hàng buôn bán thực phẩm …
Từ khi các nước Đông Âu mở cửa thì những người thợ may gia công cho những hãng may đó, nay cũng đã chuyển ra mở tiệm bán quần áo. Mở tiệm sửa quần áo cũ, hoặc những ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn. Những gia đình trước đây đã từng làm công nhân, làm thuê đó bây giờ đều có một cuộc sống thật thoải mái và ổn định. Những người con của đa số những gia đình đó nay đều đã thành đạt với các ngành nghề như thương mại, bác sĩ, kỹ sư, dược, luật sư …
Với con số được công bố ngày 01/01/2005 có tổng cộng là 17.998 người Việt đang sinh sống và làm việc trên xứ sở của hoa Tulip vẫn mãi là một dân tộc may mắn được người bản xứ thương yêu và trọng nể. Một dân tộc được người Hà Lan coi trọng và cảm phục bởi bản tính trong công việc và cuộc sống.
Cộng đồng người Việt tại Hà Lan đón Tết cổ truyền
Hằng năm, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và học tập, làm việc tại Hà Lan đã tề tựu về buổi gặp mặt Mừng xuân do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức. Trong cuộc họp mặt này, Đại sứ cũng nhân lúc vui mừng thông báo về những thành quả về kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam trong những năm qua.
Tình hình đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực,vị thế và uy tín của Việt Nam ngày một nâng cao.
Cộng đồng Việt Nam tại Hà Lan sẽ là một động lực phát triển của đất nước, là cầu nối hợp tác và hy vọng bà con Việt kiều, cộng đồng sinh viên và lưu học sinh tại Hà Lan sẽ tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, luôn đoàn kết một lòng, cùng phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trong khu vực và thế giới
Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan
Hầu hết sinh viên Việt Nam tại Hà Lan đều học tập rải rác trên khắp nước. Nhưng thông qua các thành viên nòng cốt lên đến gần 60 bạn. Tháng 11/2016, Đại hội Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan được tổ chức, đã xác định tôn chỉ và kiện toàn bộ máy hoạt động của Hội tập trung các lĩnh vực ưu tiên chính là học tập, hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường đoàn kết, kết nối và phát triển hoạt động sinh viên trong cộng đồng và xã hội sở tại.
- Năm 2008 các bạn sinh viên Việt Nam tại các thành phố lớn như Amsterdam, Arnhem, Groningen, Rotterdam… của Hà Lan lập ra các trang thông tin và sử dụng mạng xã hội (như facebook của HVSS, ViSOG, VGR…) để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm học tập, cũng như tìm kiếm sự tư vấn, nguồn thông tin hữu ích từ các sinh viên Việt Nam đang học, làm việc hoặc đã tốt nghiệp tại Hà Lan.
- Năm 2016, Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan phát triển thêm trang mạng xã hội facebook “VSNL-Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan” với hơn 3000 thành viên và trang mạng vsnl.eu. để đẩy mạnh mục tiêu này
- Ngày 13/01/2017, Hội chính thức khởi động dự án “Chung tay một mái trường” – “Lend a building hand”, nhằm hỗ trợ xây dựng lại trường tiểu học Khâu Táo với hơn 72 năm tuổi tại xã Thèn Pàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Kinh nghiệm làm thêm tại Hà Lan
Đối với du học sinh Việt Nam nói riêng và cư dân Việt tại Hà Lan nói chung. Tuỳ theo quỹ thời gian, địa điểm và khả năng, bạn có thể chọn cho mình những công việc làm thêm thu nhập để giảm bớt chi phí sinh hoạt, học tập cho phù hợp
Các công việc làm thêm
- Các công việc vệ sinh văn phòng, toà nhà làm việc
- Phục vụ trong các bar, club, pub
- Phụ bếp, phục vụ trong các nhà hàng
- Các công việc vệ sinh phòng trong khách sạn
- Thu hoạch trái cây ở các nông trại
- Làm việc trong các dây chuyền nhà máy
- Vận chuyển đồ ở các nhà kho
- Đóng hộp và dán nhãn sản phẩm
- Nếu bạn nói được tiếng Hà Lan và khéo tay thì có thể đi bán hoa thuê.
Lưu ý khi làm thêm
Đối với du học sinh tại Hà Lan, bạn cần lưu ý các quy định phải tuân thủ tại Hà Lan như:
- Lưu ý đầu tiên là nếu du học sinh quốc tế muốn làm thêm ở Hà Lan thì buộc phải có giấy phép lao động.
- Đối với các bạn du học sinh đã có giấy phép lao động, các bạn được phép đi làm thêm tối đa 10 tiếng/tuần. Trong thời gian nghỉ hè (tháng 6-8) bạn được phép làm toàn thời gian.
- Khi có giấy phép lao động và đi làm thêm, bạn cũng cần phải có bảo hiểm y tế Hà Lan để tránh bị phạt. Bảo hiểm y tế cũng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của bạn khi có vấn đề sức khoẻ, cũng như kiểm soát việc làm thêm của sinh viên quốc tế ở Hà Lan.
- Khi đi đăng ký tạm trú tại địa phương mình sinh sống, các bạn sinh viên sẽ được cấp tự động một BSN. Khi đi xin việc, nhà tuyển dụng hay các công ty bảo hiểm cần phải biết số BSN của bạn
Ngoài ra, khi đi xin việc, các bạn cũng nên lưu ý chuẩn bị một số giấy tờ như Giấy chứng nhận sinh viên của trường, Số tài khoản hiện nay(để họ trả lương hàng tháng cho bạn), Hộ chiếu (mang kèm theo), nộp thuế thu nhập và luôn giữ các giấy tờ liên quan đến thuế.
Có thể nói cộng đồng người Việt tại Hà Lan đang ngày trở nên lớn mạnh hơn góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ và tiếp thêm động lực cho du học sinh Việt nói riêng nuôi dưỡng ước mơ du học và lập nghiệp tại xứ sở hoa tulip Hà Lan. Một đất nước lớn mạnh, phát triển, thân thiện và xứng đáng để đặt mầm giống cho tương lai học tập và phát triển.